Đường dây nóng: 0949 22 55 66 hoặc huongtamlinh@gmail.com

TIN NỔI BẬT

Hương sạch xu hướng tiêu dùng tương lai

Theo một báo cáo gần đây ban nghiên cứu thị trường của Hãng sản xuất Hương Tâm Linh, nhu cầu sử dụng các loại Hương, Nhang tạo mù...

Vài nét về sách thư pháp trong kho sách Hán Nôm

Blog người hiếu cổ - Thư pháp là môn nghệ thuật lâu đời bắt nguồn từ Trung Quốc. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi chữ Hán nên thư pháp cũng dần được du nhập. Trong lịch sử Việt Nam, có rất nhiều nhân vật nổi tiếng viết chữ đẹp như Trương Hán Siêu, Cao Bá Quát, hay Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Du… Ngày nay, thư pháp cũng rất được ưa chuộng tại Việt Nam, và cũng rất nhiều người trẻ yêu thích môn nghệ thuật này. Xin giới thiệu một bài viết rất hay và bổ ích về một số sách liên quan đến thư pháp hiện có tại Viện nghiên cứu Hán Nôm và những ích lợi của thư pháp với những lĩnh vực khác để bạn đọc dễ dàng tiếp cận nguồn tư liệu này.
Trích dẫn: Phan Đình Ứng, VÀI NÉT VỀ NHỮNG SÁCH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN THƯ PHÁP TRONG KHO SÁCH HÁN NÔM, Tạp chí Hán Nôm 1/1988
***
Trong kho sách Hán Nôm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), Hà Nội, có một số sách và tài liệu nói về Thư pháp. ở đây chúng tôi xin điểm qua một số đầu sách tiêu biểu cho các loại được tạm phân chia như sau:
I. CÁC SÁCH HƯỚNG DẪN VIẾT CHỮ
Đây là loại sách căn bản của Thư pháp. Thuộc loại này có các sách như:
1. Tứ thể thư pháp: Ký hiệu VHv.1526, 100tr, khổ 12x22cm khắc in tại Thịnh Văn Đường, năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), Triệu Mạnh Dĩnh đề bạt năm Bính Dần; nội dung dạy cách viết 4 lối chữ chân, thảo, triện, lệ.
2 . Tam Hy Đường pháp thiếp: Ký hiệu VHv.25/1-3, 264tr, khổ 19x30cm, chữ khắc in, có 2 bài bạt, 2 bài chỉ và các trang mẫu cho lối chữ nhân, hành và thảo; có kiểu chữ to, mỗi trang chỉ 2 chữ (kiểu đại tự). Bộ này gồm 3 sách. Riêng sách mang ký hiệu VHv.25/1, có các bài mẫu mang tính chất tổng hợp chân, hành, thảo của các danh nhân từ đời Tấn đến Đường, Tống.
3. Tam Hy Đường pháp thiếp: Ký hiệu AC.593, 360tr, khổ 19x27cm, và ký hiệu VHt 26/1-2, 68 tr, khổ 19x30cm. Đây là sách tổng hợp các lối chân, thảo, cỡ chữ lớn, vừa và nhỏ, cũng của các danh nhân đời Tấn, Đường, Tống.
4. Tập thư tự thức: Ký hiệu VHV.1509, 24tr, khổ 15x25cm, giấy bản trắng tốt, chữ viết tay, không ghi tác giả và niên đại, gồm các bài mẫu dạy viết lối chữ chân cho đẹp.
5. Tứ thể bát thức: Ký hiệu AB.90, 31tr, khổ 15x20cm, khắc in tại Liễu Văn Đường, năm Tự Đức thứ 22 (1869). Phần đầu giới thiệu kích thước cây bút nho; rồi quy cách cầm bút, cách đặt các ngón tay đúng vị trí; vai trò từng ngón tay khi thao tác. Phần sau gồm 3 bài mẫu cho lối viết chân; 1 bài mẫu cho lối viết hành; 1 bài mẫu cho lối viết thảo; 1 bài mẫu cho lối viết triện; 1 bài mẫu cho lối viết lệ.
6. Tứ thể tự pháp: Ký hiệu AC. 688/1-2, 328tr, khắc in tại Mỹ Văn Đường, năm Tự Đức nguyên niên (1848). Người khắc là Thanh Chiến Trai, theo bản thời Gia Khánh thứ 18, Quí Dậu. Cũng dạy cách viết chân, thảo, triện, lệ. Riêng phần chữ chân có toàn văn các bài phú, luận, để làm mẫu - Giới thiệu 8 nét cơ bản và từ 8 nét đó biến hóa ra gần 100 nét khác nhau.
7. Tự thể toàn thư: Ký hiệu AC. 267, 56tr, khổ 18x26cm, khắc in tại Phúc Văn Đường mùa xuân năm Giáp Tuất, không thấy tên tác giả. Nội dung cũng dạy cách viết các kiểu chân, thảo, triện, lệ. Giới thiệu sơ lược 8 nét chấm, hất ngang, lược, sổ, phẩy, móc và mác.
8. Tam diệu pháp thiếp: Ký hiệu AC.365, 72tr, khổ 17x23cm khắc in năm Tự Đức thứ 3 (1850). Giới thiệu các bản mẫu chữ thảo. Sau bản mẫu cuối cùng, thấy có tên Đổng Kỳ Xương.
Có thể nêu ra một vài nhận xét về những sách vừa giới thiệu trên đây như sau:
a. Các sách trên đây ít nói về lý luận thư pháp, mà chỉ giới thiệu cách tạo nét chữ sao cho đúng với chuẩn mực và thanh thoát đẹp đẽ. Trong những đầu sách vừa nói, có 2 sách giới thiệu cách thao tác (Tứ thể bát thức ký hiệu AB.90, phần đầu); một sách nói sơ lược lịch sử tạo chữ (Tứ thể toàn thư, AC.267, phần đầu); 2 sách giới thiệu các nét chữ cơ bản (Tứ thể tự pháp AC.688/1-2, trang 46 và Tứ thể toàn thư, AC.267). Còn phần lớn các sách khác đều là các bản mẫu chữ để thực hành là chủ yếu. Tuy nhiên ở đây cũng có điều đáng lưu ý:
Các nhà thư pháp Hán Nôm của ta ngày xưa đã sử dụng các lối viết chữ theo hệ chữ vuông Hán nhưng không bắt chước hoàn toàn theo lối phân chia của họ. Chẳng hạn cách phân loại các kiểu chữ của Trung Quốc đời Thanh là Tiểu triện, Đại triện, Lệ thư, Bát phân, Kim thảo, Chân thư, Hành thư, v.v... Nhưng ở đây, thường thấy có 4 loại: chân, thảo, triện, lệ là chủ yếu. Ngoài ra bên cạnh lối thảo còn có lối đá thảo tương tự lối hành thư.
b. ở các bài mẫu, lời văn tuy có khác nhau, nhưng các kiểu chữ - chân, thảo, triện, lệ - đều thống nhất như nhau về cách thức và dạng vẻ.
c. Các bản mẫu ở các sách trên được tạo theo dạng viết tay, được khắc in nhiều lần nhưng vẫn đảm bảo tính chuẩn mực của nó (trừ một sách mang tên Tập thư tư thức, ký hiệu VHv.1509, chữ viết tay chưa được khắc in, thì cũng có thể dùng để tham khảo).
II. CÁC SÁCH LIÊN QUAN ĐẤN NGHỆ THUẬT THƯ PHÁP HÁN NÔM
Thuộc loại này có các sách sau đây:
1. Bách thọ triện tự: Ký hiệu VHt. 7/1-2, khổ 25x30cm, gồm 2 tập, có 408tr, dấu đỏ của Thư viện HDAKG - Thùy Chi (?). Sách không ghi niên đại và tác giả. Chữ viết theo lối triện, có 100 cách viết khác nhau (mỗi trang 1 chữ, mỗi chữ cao khoảng 25,00 cm, vừa đúng khổ trang giấy) để mừng thọ. Ví dụ như chữ: Vạn thọ, Vương tử, Long trảo, Đông đẩu, Ngũ nhạc v.v... Các hàng chữ chua, chú đề tài bằng nét chân cũng rất đẹp.
2. Bách thọ toàn đồ: Ký hiệu VHv.2693, khổ 13x30cm. Sách không đề niên đại và tác giả. Bìa cứng bọc vải lụa vàng, in rồng vàng bằng nhũ thẩm, giấy bên trong thuộc loại cứng dày, mầu vàng, cũng in hình rồng mây bằng nhữ vàng thẩm. Cả cuốn sách được tạo thành bởi một băng giấy cứng kéo dài ra 15 mét. Chữ màu đỏ cờ, viết tay. Mỗi chữ cao khoảng 25 cm, lối chữ triện. Các câu dẫn đề cũng màu đỏ chữ viết tay.
3. Cảm ứng thiền đồ thuyết: Ký hiệu A.3104đ, khổ 22x30cm, dày 460tr, có nhiều hình vẽ (khắc in), vẽ các chân dung và hình bản để minh họa việc cảm ứng (làm việc thiện được phúc, làm điều ác bị tai họa). Thường các tranh vẽ có ghi vài ba dòng chữ, ngoài ý thuyết minh nội dung, còn có tác dụng tô cho bức tranh thêm sinh động. ở đây rất tiếc người in tranh dường như cố ý không in các dòng chữ ấy. Thỉnh thoảng gặp ít dòng sót lại thì thường bị mất quá 1/2 số chữ (ví dụ trang 20, 24, 39, 40, 41...) nên không biết niên đại nào và tác giả là ai.
4. Ngự chế minh văn cổ khí đồ: Ký hiệu A.147, dày 72tr. Tác giả Minh Mệnh. Sách được in trên giấy tốt, có nhiều hình bản, 1 bài bạt, 33 bài minh của Minh Mệnh làm đề và 33 loại đổ cổ như: đỉnh, chén, bầu, vò, xe, chim, thủ trâu... được cách điệu hóa thành đồ dùng hàng ngày. Kèm các hình vẽ là các bài minh khuyên răn việc đời. Chữ lối chân rất trang trọng.
5. Các kiểu vẽ cũ ở Kinh (chữ Nôm): Ký hiệu VHv.56, dày 39tr, khổ 17x23cm. Không rõ tác giả và niên hiệu. Nét vẽ tay bằng mực nho đánh bóng bằng chì. Dùng ngòi bút lông để tạo các tranh bằng lối chữ triện: dùng kiểu chữ trang trí đỉnh lâu đài, dinh thự; làm hoa văn song cửa, bình phong v.v...
6. Hội đồ trùng tập: Ký hiệu A.3104/d, dày 38 tr, sách khắc in. Nội dung là các tập tranh thường treo ở chùa: cờ phướn lọng, xe rồng, kiệu hạc, sư tử, kỳ lân v.v... Mỗi tranh có câu dẫn viết bằng lối chân. Phụ bản có bản bùa giữ nhà ở chùa Hương Tích. Sách cũng không đề niên đại và tác giả. Riêng bức tranh thứ 5, mặt sau, có dòng chữ: “Tuế thứ Mậu Dần niên mạnh thu nguyệt cát nhật đệ tử phụng tuyển”.
7. Trần Triều lăng tẩm đồ mạn ký: VHv.1755, dày 8tr. Chữ viết tay bằng lối chân. Bài ký này là của Nguyễn Tư Giản mô tả công trình kiến trúc các lăng tẩm, được giao lại năm Minh Mệnh thứ 21 (1840). Phụ bản có bài thơ của Phạm Sư Mạnh chữ đẹp.
8. Trần Triều Thánh Tổ các xứ địa đồ: Ký hiệu A.3108, khổ 18x27cm, 30tr, do Lương Quang Bảo sao chép năm Bảo Đại thứ 17 (1942). Nội dung: những bức vẽ cảnh chùa, lăng, bia, điện An Bình, núi Ngọc Thành. Chữ đề dẫn theo lối chân, cũng đẹp.
9. Thức danh đồ thuyết: Ký hiệu A.850, khổ 15x24cm, 117tr. Bìa màu vàng, in rồng bằng nhũ vàng thẩm. Do Lê Thúc Hoạch biên tập năm Thành Thái thứ 14 (1902). Có nhiều hình bản, chữ viết, giới thiệu tên các loài động vật, thực vật. Ví dụ bên cạnh chữ “Lộ” có vẽ con cò, bên cạnh chữ “Tước” có vẽ con chim sẻ v.v...
10. Đạm Trai thi khóa: Ký hiệu A.2263, khổ 13x24cm, dày 264tr. Tự Đức năm thứ 3 (1850), Canh Tuất, tháng 2 ngày Đinh Mão. Chữ viết tay đẹp, bài dẫn có nói về phương pháp viết chữ.
11. Cao Chu Thần di cảo: Ký hiệu VHv.1434/1-2 và A.2762. Sách dày 761 tr, gồm 2 phần thơ và văn. Nội dung sách ít liên quan đến thư pháp nhưng chúng tôi muốn ghi vào đây để qua đó mà tìm tới các di cảo khác của cụ Cao Bá Quát, người nổi tiếng viết chữ đẹp. (Theo chúng tôi được biết, cách đây trên 10 năm, Phòng lưu trữ Bộ Văn hóa còn giữ được bản viết - bút tích - về lối chân, thảo của cụ Cao).
Những sách có liên quan đến nghệ thuật thư pháp còn nhiều, chúng tôi tạm dừng tại đây và xin có vài nhận xét về loại sách vừa mới kể trên:
a. Những sách này xứng đáng được xếp vào lĩnh vực nghệ thuật. Dùng các kiểu chữ để làm vật trang trí, cho dù người không biết chữ nhìn vào cũng có những gợi cảm thẩm mỹ nhất định.
b. Đây là lĩnh vực nghệ thuật thư pháp ứng dụng, phần nhiều để trang trí nơi cung đình, hoặc nơi đình chùa, lăng tẩm. Song không phải chỉ dành riêng cho thú thưởng ngoạn của giới quý tộc, mà đôi khi cũng có tính dân tộc và đại chúng. Xin lấy tác phẩm của Minh Mệnh - một ông vua - làm ví dụ: Cuốn Ngự chế minh văn cổ khí đồ. Các bài Minh viết lối chân rất trang trọng, dễ đọc. Nội dung khuyên răn việc đời, các đồ dùng hàng ngày của người bình dân như chén, bầu, vò, thủ trâu, chim muông bằng sứ đất nung, được cách điệu hóa, không cầu kỳ tỉ mỉ như lối trình bày của Trung Quốc, mà cũng không phải bay bổng như lối trình bày của Nhật Bản.
Để kết thúc bài viết này chúng tôi muốn nêu một vài suy nghĩ bước đầu về ý nghĩa các sách vở thư pháp Hán Nôm đối với một số lĩnh vực khoa học và nghệ thuật.
A. Đối với lãnh vực nghiên cứu văn bản Hán Nôm:
Loại sách vở và tài liệu về thư pháp Hán Nôm có thể mách bảo chúng ta nhiều dữ kiện để xác minh văn bản. Chẳng hạn trong những bia ký ở cuối thế kỷ XVIII có rất nhiều loại chữ giản nét, gần giống với lối chữ mà hiện nay người Trung Quốc hiện nay đang sử dụng, nhưng các bia thời Nguyễn lại trở về lối phồn thể. Hoặc thông qua dạng chữ chúng ta có thể sơ bộ đoán định được đó là chữ đời Lê hay chữ đời Trần. Hoặc ở thời này thích lối chữ chân, thời kia thích lối chữ thảo. Địa phương này xuất hiện nhiều lối triện, lệ; Địa phương kia xuất hiện toàn lối thảo, chân. Hoặc có người thích viết giản tự, người khác thích lối phồn thể, đặc biệt có cụ cứ thích mô phỏng các lối chữ của cổ nhân để lại. Nếu đi sâu nghiên cứu và nắm được vững chắc những hiện tượng đó chúng ta có thể tin rằng: thư pháp là một phương tiện quan trọng cho việc giám định văn bản, giám định thời đại, địa phương và cá biệt, thậm chí từng tác giả lớn.
B. Đối với lĩnh vực mỹ thuật:
Trong các ngành như mỹ thuật đồ họa, thêu, khảm, khắc, chạm, gốm, sứ v.v... đều có thể ứng dụng được thư pháp Hán Nôm. Ví dụ ngày xưa đã dùng chữ phúc, thọ để trổ hoa tai bằng vàng. Các bức thêu, khảm đã sử dụng các nét chữ Hán Nôm để trang trí rất đẹp mắt. Ngày nay cũng dùng các chữ cái tương tự trang trí trên khuy, thắt lưng, giày, mũ, quần áo v.v... đang rất thịnh hành. Trong ngành đúc chữ in hiện đại của Việt Nam thực tế đã sử dụng những nét chữ Hán Nôm cổ - hất, móc, phẩy - để thiết kế ra nhiều kiểu chữ mới mang tên “Rô Nôm” (tức kết hợp kiểu chữ Rô manh hiện ta đang dùng trên trang in, tạp chí này với chữ Nôm cổ) rất đẹp mắt(1). Trong kiến trúc, ngày xưa các nhà kiến trúc cổ cũng đã dùng dạng chữ Hán Nôm để thiết kế ra nhà kiểu chữ Môn, nhà kiểu chữ Đinh v.v...
Tóm lại mảng sách vở tài liệu về thư pháp Hán Nôm hiện có trong kho sách Hán Nôm, không những không lỗi thời mà còn nhiều tiềm năng để khai thác, sử dụng.
CHÚ THÍCH
(1) Xem bìa sách mang tên “ả sim”, Nxb. Văn hóa, 1957. Một kiểu chữ vừa mang phong cách nét bút nho, vừa giữ cốt cách khắc gỗ; hoặc bìa sách mang tên “Thủy hử” Nxb. Văn hóa, H. 1958, dòng chữ vừa mang phong cách nét bút nho “hất phẩy, móc vừa có cốt cách của kiểu chữ Gôtích hiện đại” (Xem Nguyễn Việt Chấn, tìm hiểu dáng chữ in gốc Latinh, tập 2, Nxb. Hà Nội, 1974)
Previous
Next Post »